KINH NGHIỆM DU HỌC CANADA
1. Chuẩn bị hành lý du học Canada gồm những gì?
1.1. Giấy tờ tùy thân
- Hộ chiếu còn hạn sử dụng
- Visa du học được dán vào hộ chiếu
- Thư của Đại sứ quán được dán vào hộ chiếu
- Thư mời của trường bản chính
- Vé máy bay
- Giấy khai sinh bản sao công chứng Tiếng Việt, Tiếng Anh hoặc Tiếng Pháp
- Học bạ bản chính và bản sao công chứng Tiếng Việt, Tiếng Anh hoặc Tiếng Pháp
- Bằng tốt nghiệp ĐH, Cao đẳng, THPT bản chính và bản sao công chứng, bạn sẽ cần khi xin học cao hơn
- CMTND hoặc thẻ căn cước; bạn có thể cần phải chứng minh nhân thân trong một số trường hợp không có đủ giấy tờ chứng minh khác ở Canada.
1.2. Vật dụng mang theo khác
- Tiền: theo quy định của Ngân hàng nhà nước bạn được phép mang không quá 5,000USD. Bạn có thể mang theo Thẻ visa để trả tiền mua hàng hoá, đóng học phí, đóng phí bảo hiểm, vé máy bay, khám chữa bệnh (trong các trường hợp không có bảo hiểm y tế), mua vé xem phim, thăm quan, đi lại…
- Quần áo: túi xách thì dự phòng 1 bộ, nếu trung chuyển qua đêm thì cần thêm bộ áo chống lạnh có mũ, găng tay, khăn và đồ vệ sinh. Quần áo còn lại cho vào vali gửi hành lý. Nếu là mùa đông, Canada có hệ thống sưởi ấm rất tốt trong trường học cũng như các cơ sở công cộng, vì vậy nếu vào mùa đông bạn không cần phải mang quá nhiều quần áo mùa đông. Lời khuyên đó là bạn chỉ cần mua một đôi bốt đi trong tuyết, 1 cái áo khoác thật ấm, khăn quàng, găng, tất để trùm đầu khi ra ngoài còn bên trong, bạn nên mặc quần áo bình thường bởi khi vào lớp học, lên xe bus hay nhà hàng, siêu thị bạn sẽ phải cởi tất cả những đồ ấm dày kia ra.
- Thực phẩm: Canada cấm du nhập thực phẩm, hoa quả tươi sống, cây cối, rau có dính đất. Tốt nhất bạn không nên mang theo để tránh rắc rối. Bạn chỉ được phép mang theo một số loại giới hạn thực phẩm khô chế biến, bánh kẹo.
- Từ điển Anh – Việt hoặc Việt – Pháp có ích cho bạn trong thời gian đầu
- Máy tính xách tay, máy ảnh, điện thoại… nhưng nhớ cần mua thiết bị chuyển đổi nguồn 220V sang 110V vì Canada sử dụng nguồn điện 110V. Ngoài ra, Canada sử dụng ổ căm 3 chấu nên bạn phải mua thêm phích cắm tiếp nối loại 3 chấu gồm 2 chấu mảnh và 1 chấu tròn.
2. Làm gì khi đi máy bay?
2.1. Hành lý
- Bạn được mang theo 2 kiện hành lý kích thước quy định không quá 30 kg và 1 túi xách không quá 12kg với Vietnam arilines và 7 kg với các hãng bay khác.
- Hãy dán thêm thông tin cá nhân của bạn lên các kiện hàng hóa
- Tuyệt đối không mang hàng hóa hộ người không quen biết trong bất kỳ trường hợp nào (tránh trường hợp An ninh sân bay phát hiện hàng mang hộ có ma túy đều bị bắt giữ và xét xử không thể giải thích).
2.2. Mua vé máy bay
Hiện nay đã có rất nhiều đường bay nối liền Việt Nam và Canada nhưng chưa có đường bay trực tiếp. Thông thường bạn phải nối chuyến (transfer, transit) tại ít nhất 1 địa điểm giữa Việt Nam và Canada.
Hiện tại ở Canada có 530 sân bay đang hoạt động, trong đó có 5 sân bay chính đón khách du lịch Canada: Sân bay quốc tế Pearson, Sân bay quốc tế Pierre Eliott Trudeau, Sân bay quốc tế Vancouver, Sân bay Calgary, Sân bay quốc tế Ottawa
Từ Việt Nam, bạn có thể mua vé máy bay đi Canada khởi hành từ 3 sân bay quốc tế là Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP HCM) và sân bay quốc tế Đà Nẵng (Đà Nẵng) để đi đến Canada. Các hãng hàng không khai thác chặng bay này gồm có: Eva Airways, Vietnam Airlines, China Southern Airlines, United Airlines, Pacific Airlines, ANA All Nippon, American Airlines…Đây đều là những hãng hàng không uy tín và chất lượng dịch vụ trên các chuyến bay luôn được đánh giá cao. Do đó bạn có thể tham khảo và lựa chọn hãng hàng không khai thác chuyến bay với mức giá và lịch trình phù hợp nhất.
2.3. Khởi hành
- Đăng ký lên máy bay: Tại sân bay Tân Sơn nhất hay Nội Bài, bạn sẽ vào phòng quốc tế. Khi vào cửa, bạn sẽ phải xuất trình vé máy bay hay hộ chiếu cho nhân viên an ninh.
- Gửi hành lý: Khi đăng ký tại quầy thủ tục, bạn sẽ gửi hành lý của mình cùng lúc. Bạn chú ý chỉ rõ cho nhân viên hàng không là hành lý cần được gửi đến nơi cuối cùng tại Canada, nếu không có thề hành lý sẽ thất lạc tại một sân bay trung chuyển nào đó.
- Chọn chỗ ngồi: Các chuyến bay “xuyên lục địa” có khả năng bay trên 12 giờ liên tục hiện nay trở thành thông dụng. Để bảo đảm cho chuyến bay dài hơi này không làm cho bạn mệt mỏi hay mất sức, bạn nên chú ý chọn chỗ ngồi phù hợp (gần hay xa cửa sổ).
- Phí sân bay: Sau khi đăng ký ở quầy vé, bạn mua lệ pí sân bay trước khi vào làm thủ tục tại quầy hải quan.
- Mẫu hải quan: Sau nhiều năm cải tiến, mẫu hải quan đã thống nhất với mẫu xuất nhập cảnh trở thành một mẫu duy nhất. Trên mẫu này, bạn cần khai báo chủ yếu là các loại tiền đem theo (nếu có trên 7000$) và một số loại hàng hoá thuộc diên cần khai báo như văn hoá phẩm v.v…
- Cách khai báo: Sau khi điền xong mẫu XNC/ hải quan. Bạn trình ra cho nhân viên hải quan ở quầy hải quan cùng với hộ chiếu. Nhân viên sẽ đóng dấu và đưa lại cho bạn cả hai liên của mãu.
- Mẫu xuất nhập cảnh: Cùng nằm trong mẫu hải quan là mẫu xuất nhập cảnh. Trong phần khai này, bạn cho biết họ tên, địa chỉ, mục đích ra nước ngoài, số hiệu chuyến bay v.v…
- Xuất trình giấy tờ: Khi lên đến quầy công an ra cửa khẩu, bạn trình ra mẫu XNC / hải quan. Nhân viên công an sẽ thu lại một liên (màu vàng). Bạn cần giữ kỹ liên này để trình báo lại cho công an cửa khẩu trong lần về Việt Nam sau đó.
- Cửa hàng miễn thuế: Sau khi qua khỏi công an cửa khẩu, bạn vào phòng chờ. Tại đây bạn có thể mua các loại hàng hoá “miễn thuế”. Nhưng hãy cẩn thận! giá cả các mặt hàng có thể không rẻ chút nào, có khi còn đắt hơn mua bên ngoài.
2.4. Đến cửa khẩu Canada
- Các cửa khẩu chính của Canada: Máy bay đến Canada sẽ đáp xuống một trong những sân bay quốc tế của quốc gia này, thường là Vancouver, Toronto hay Montreal – 3 thành phố chính của Canada. Từ đây bạn sẽ tiếp tục đi đến các địa điểm khác trong lãnh thổ Canada. Theo quy định, khi đến cửa khẩu đầu tiên của Canada, bạn sẽ phải lấy tất cả hành lý của mình ra để làm thủ tục nhập cảnh và hải quan, sau đó chuyển tiếp đi các nơi khác trong nội địa (nếu có).
- Tờ khai hải quan: Gần đến Canada, tiếp viên sẽ phát cho bạn một tờ khai hải quan (kiêm mẫu di trú) gồm một tờ duy nhất. Bạn có thể điền vào tờ khai bằng một trong hai thứ tiếng chính thức của Canada là Anh hay Pháp. ở phần địa chỉ Canada, bạn ghi địa chỉ của trường học (nếu ở nội trú), của người giám hộ (nếu bạn nhỏ hơn 18 tuổi) của người thân (nơi bạn sẽ ở) hay của nhà homestay nơi bạn đăng ký.
- Khai báo tại cửa khẩu: Bạn cầm tờ khai hải quan đến trước quầy làm chủ tục nhập cảnh vào Canada. Nhân viên hải quan đón tiếp bạn sẽ hỏi bạn đến Canada làm gì. Sau khi bạn trả lời là đi du học, họ sẽ đóng dấu vào tờ khai hải quan và dẫn bạn đến một nhân viên đi trú.
- Nhận giấy phép du học (GPDH): Người này sẽ đưa bạn vào phòng làm việc của cơ quan đi trú và làm thủ tục cấp “giấy phép du học” (study permit) cho bạn. Bạn cần trao cho nhân viên di trú (1) Hộ chiếu của bạn (2) giấy nhập học của trường (bản chính) và (3) lá thư của LSQ Canada gửi cho bạn khi cấp visa Canada. Đôi khi bạn có thể phải xuất trình biên nhận đã đóng học phí đầy đủ, cung cấp địa chỉ cư trú tại Canada …Mọi việc hoàn tất, bạn sẽ có trong tay GPDH trong đó có ghi rõ thời hạn bạn được ở lại Canada để học và nơi học.
- Hành lý: Rời khỏi phòng đi trú, bạn đi lấy hành lý ở khu vực băng chuyền (carrousel, conveyor) và đẩy ra ngoài cửa. Khi ra đến ngoài, bạn giao lại tờ khai hải quan cho nhân viên hải quan đứng trực ở đây. Nếu không có gì cần khám hành lý. Tại đây, nhân viên hải quan sẽ yêu cầu bạn mở vali túi xách … cho họ kiểm tra. Xong xuôi bạn sẽ được chỉ lối ra ngoài.
- Chuyển tiếp đi nội địa: Nếu bạn cần chuyển máy bay đi tiếp, bạn cần tìm quầy đăng ký có chữ “transit” bình thường ở gần lối ra. Khu vực bạn đến thường là “arrival” và nằm khác với khu vực đi “departure” cho nên các bạn phải đẩu hành lý của mình sang khu vực đi mới đăng ký tiếp được
Trên đây là một số hướng dẫn cho các bạn du học sinh về việc chuẩn bị hành trang trước khi lên đường du học Canada cũng như thủ tục cần thiết phải thực hiện tại sân bay. Chuẩn bị sẵn sàng chính là chìa khóa dẫn tới mọi thành công, đối với du học cũng vậy. Chúc các bạn có một chuyến đi an toàn và vui vẻ!
3. Chỗ ở khi du học Canada
3.1. Homestay – Chỗ ở khi đi du học Canada tối ưu nhất
Nếu bạn muốn chọn được hình thức chỗ ở khi đi du học Canada để tìm hiểu cuộc sống của người dân bản xứ và nâng cao trình độ tiếng Anh của mình thì homestay là lựa chọn tối ưu.
Những bạn học sinh dưới 18 tuổi, đang du học Canada bậc học trung học phổ thông thường sẽ chọn hình thức chỗ ở này.
Khi ở homestay, bạn sẽ được đảm bảo đầy đủ điều kiện, tiện nghi đáp ứng cho việc học tập, sinh hoạt của mình như: phòng ngủ riêng với phòng ngủ, tủ quần áo, bàn học… hoặc có thể bao gồm 1 gói dung lượng sử dụng internet. Một số homestay tại Canada còn có cả dịch vụ đưa đón tại sân bay nữa.
Giá cả của loại hình homestay dao động khoảng 1.200 CAD/tháng, đã bao gồm cả chi phí chỗ ở và 3 bữa ăn 1 ngày.
Lợi ích của ở homestay tại Canada
- Bạn sẽ sinh sống và sinh hoạt cùng gia đình người bản xứ như một thành viên trong gia đình. Đối với các bạn lần đầu sống xa nhà thì homestay sẽ giúp bạn bớt đi phần nào nỗi nhớ nhà. Hơn nữa, bạn cũng có thể có thêm kỹ năng sống.
- Bạn sẽ không phải băn khoăn về những vấn đề như ăn gì, mua đồ ăn ở đâu… bởi gia đình ở cùng bạn đã chuẩn bị sẵn các bữa ăn cho bạn.
- Ở homestay sẽ giúp các bạn cải thiện trình độ tiếng Anh một cách nhanh chóng, nâng cao cả vốn sống, sự hiểu biết về văn hóa, các sinh hoạt của người bản xứ.
- Đối với các bạn du học sinh dưới 18 tuổi, nếu bạn muốn thay đổi homestay phù hợp hơn với mình, bạn chẳng cần lo lắng về việc tìm homestay vì nhà trường sẽ làm điều này thay bạn.
Nhưng khi ở homestay, bạn cũng có thể gặp nhiều bất lợi như
- Không quen với những món ăn của gia đình mà bạn ở cùng. Tuy nhiên, vấn đề này rất dễ giải quyết, bạn chỉ cần nhẹ nhàng góp ý với chủ nhà về những món ăn phù hợp với bạn.
- Chọn homestay làm chỗ ở tại Canada khi du học, bạn cần tuân thủ những quy định riêng trong gia đình mà bạn ở cùng để tránh làm phiền và khiến chủ nhà không hài lòng.
3.2. Dormitory (Ký túc xá)
Những thuận lợi khi chọn ký túc xá làm chỗ ở khi đi du học Canada
- Khi bạn là sinh viên du học tại Canada, bạn có thể chọn ký túc xá là chỗ ở. Đa phần ký túc xá đều nằm trong khuôn viên trường nên bạn chỉ cần đi bộ khoảng 5-15 phút là tới trường. Nên bạn không cần phải dậy sớm đạp xe hoặc đón bus đi học.
- Có cơ hội làm quen và kết bạn với nhiều sinh viên từ nhiều quốc gia, cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày và trong cả việc học nữa.
Khi chọn ký túc xá, bạn sẽ gặp bất lợi như
- Các phòng ký túc xá thường giống nhau và có thể không được trang bị đầy đủ vật dụng và các tiện nghi như ở homestay. Các bạn sẽ phải sử dụng nhà bếp, phòng tắm chung.
- Bạn phải đăng ký rất sớm, trước khi năm học bắt đầu từ 6 – 12 tháng, nếu không bạn sẽ nằm trong danh sách chờ.
3.3. Nhà thuê bên ngoài (Renting)
Thuận lợi của việc thuê nhà bên ngoài
Rất nhiều bạn sinh viên lựa chọn hình thức thuê nhà là chỗ ở khi du học Canada bởi như vậy, các bạn sẽ có được sự riêng tư, thoải mái về giờ giấc và sinh hoạt tự do theo lối sống của mình.
Những bất lợi phải đối mặt
- Giá cả thuê nhà tại các thành phố lớn khá cao, không phải lúc nào cũng có nhà để thuê. Do đó, để giảm tiền thuê nhà, các bạn sinh viên thường sẽ cùng nhau thuê một căn hộ ở chung và chia tiền thuê mỗi tháng (cũng giống như ở Việt Nam vậy).
- Hãy kiểm tra nhà và đọc hợp đồng thuê nhà thật kỹ trước khi đặt bút ký vì những căn hộ cho thuê thường sẽ tồn tại những vấn đề mà bạn không lường trước được như chất lượng căn hộ, an ninh xung quanh…
- Bạn sẽ phải đóng 1 khoản đặt cọc rủi ro và trả tiền thuê nhà hàng tháng bằng tiền mặt hoặc cheque.
Trước khi thuê nhà, bạn cần
- Tìm hiểu an ninh khu vực bạn dự định thuê bởi an toàn là trên hết, cũng như hệ thống giao thông có thuận lợi cho việc đi học và làm thêm không.
- Kiểm tra kỹ hợp đồng thuê nhà xem thời gian thuê nhà bắt buộc là bao nhiêu tháng, nếu không tuân thủ thì có phải bồi thường không.
- Kiểm tra kỹ căn hộ trước khi kí hợp đồng để chắc chắn mọi thứ đều ổn và trong tình trạng tốt. Nếu cần sửa chữa gì thì phải báo ngay với chủ căn nhà để sửa chữa trước khi vào ở.
- Hãy liên hệ với Văn phòng nhà ở tại địa phương nếu có bất cứ vấn đề nào khi thuê nhà.
4. Những cái “không” mà du học sinh Canada cần phải biết
4.1. Không nhầm lẫn người Canada với người Mỹ
Bạn nên nhớ rằng, Canada hoàn toàn độc lập với Mỹ. Người Canada có lòng tự tôn dân tộc rất cao vì vậy họ không bao giờ muốn bị người khác nhầm lẫn mình là người Mỹ. Cái này cũng giống chúng mình chẳng lấy làm gì vui vẻ khi bị nhầm là người Trung Quốc phải không nào?
Vậy nên các bạn học sinh du học Canada cần tránh sự nhầm lẫn tế nhi này nhé.
4.2. Nói không với sự bất lịch sự
Người Canada nổi tiếng toàn thế giới về tính lịch sự của mình. Họ lịch sự từ hành động tới lời ăn tiếng nói trong giao tiếp. Những từ như “please”, “thank you” hay “sorry” được xem là câu cửa miệng của họ.
Khi bày tỏ ý kiến của mình, người Canada thường dùng ngôn ngữ mềm mỏng, nói giảm nói tránh để không làm ảnh hưởng người khác cũng như xây dựng mỗi quan hệ tốt đẹp.
Nghe qua bạn có thể sẽ hơi lo lắng nhỡ đâu sơ sẩy mà làm phât ý họ thì sao? Chớ lo lắng quá nhiều bạn nhé. Người Canada sẽ không quá khắt khe với những sinh viên du học mới sang như bạn đâu. Tuy nhiên chúng mình cũng cần nhanh chóng thích nghi và học theo văn hóa cư xử của họ phải không nào. Đó cũng là một điều vô cùng hữu ích mà học sinh du học Canada có được sau thời gian học tập và sinh sống tại nơi này.
4.3. Không hút thuốc nơi công cộng
Tại Canada, những chốn công cộng như văn phòng, cửa hàng, nhà hàng, bệnh viện… đều cấm mọi người hút thuốc.
Điều đó đồng nghĩa với việc, bạn chỉ có thể hút thuốc tại nơi mình ở hay trong phương tiện đi lại cá nhân. Dĩ nhiên thì số lượng sinh viên du học Canada hút thuốc không nhiều nhưng chúng mình vẫn cần biết để tránh và có cách cư xử đúng mực.
4.4. Không đến gần động vật hoang dã
Trong suốt thời gian du học Canada, chắc hẳn bạn sẽ có những khoảng thời gian đi khám phá đây đó. Nếu có dịp tới những vùng ngoại ô và bắt găp những chú gấu Bắc Cực, nai sừng tấm Bắc Mỹ hay những chú báo… thì bạn hãy cứ ngồi yên trong xe và chiêm ngưỡng nhé.
Bạn không nên kéo kính xe xuống hay tìm cách tới gần chúng để âu yếm hay chụp hình vì chúng hoàn toàn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng và sự an toàn của bạn đó.
4.5. Không rời đi nếu chưa có tiền típ
Người Việt chúng mình chưa quen với văn hóa gửi tiền típ cho người phục vụ, chính vì vậy bạn dễ mắc phải lỗi văn hóa này khi du học Canada.
Với người xứ sở lá phong này, bạn sẽ bị coi là thiếu lịch sự hay thậm chí là coi thường người lao động nếu không chi thêm tiền típ cho họ.
Mức tiền típ chuẩn thường là 15% tổng hóa đơn hoặc $1 với đồ ăn thức uống. Bạn hãy ghi nhớ điều này và áp dụng trong những lần ra ngoài ăn uống nhé.
Hy vọng với những thông tin trên, bạn sẽ nhanh chóng thích nghi với cuộc sống du học tại Canada sắp tới.