Du học ngành hospitality dễ hay khó?
Cơ hội nghề nghiệp, triển vọng phát triển, thu nhập hấp dẫn và thỏa niềm đam mê là những lý do ươm mầm cho ước mơ du học ngành hospitality của nhiều người. Tuy nhiên, du học là cả một hành trình dài, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư phù hợp và hospitality cũng là lĩnh vực có những yêu cầu đặc trưng riêng. Vậy, du học ngành hospitality thật đơn giản hay là thử thách khó khăn với bạn?
Du học ngành hospitality có khó gì!
Hospitality gắn liền với dịch vụ khách hàng nên có phạm vi hoạt động rộng rãi. Lĩnh vực ứng dụng kiến thức, kỹ năng hospitality rất nhiều và vị trí công việc cũng dồi dào với sinh viên tốt nghiệp ngành này. Hospitality là ngành học thiên về yếu tố thực tế, không quá nặng nề về kiến thức lý thuyết hay đòi hỏi những bộ óc ưu việt. Chưa kể, chương trình đào tạo ở nhiều nước được cấu trúc theo kiểu 6 tháng học rồi 6 tháng thực tập và tiếp tục chu trình như vậy, giúp sinh viên nhanh chóng được ứng dụng kiến thức vào thực tiễn công việc, tiếp thu dễ dàng hơn và ghi nhớ lâu hơn. Do đó, về cơ bản, hospitality được xem là ngành dễ học, dễ tiếp thu, dễ làm nghề.
Hospitality cũng là lĩnh vực được đào tạo tại nhiều quốc gia khắp thế giới, từ Mỹ, Canada ở bên bờ Đại Tây Dương đến Thụy Sĩ, Hà Lan ở lục địa già hay Singapore, Malaysia ở khu vực châu Á. Do đó, bạn có rất nhiều lựa chọn điểm đến du học cũng như chuyên ngành và cấp bậc học tập mình muốn theo đuổi.
Nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến cung cấp đa dạng khóa học về hospitality cho bạn nhiều lựa chọn
Du học bao giờ cũng tốn kém nhưng là sự đầu tư xứng đáng cho tương lai của bạn nếu bạn thực hiện một cách nghiêm túc. Chi phí học tập tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến có thể là rào cản cho ước mơ du học của bất cứ ai. Tuy nhiên, đặc thù của chương trình đào tạo ngành hospitality là luôn lồng ghép thời gian thực tập trong chương trình học và sinh viên có thể được hưởng mức lương xứng đáng nhằm giải quyết phần nào bài toán chi phí. Bên cạnh đó, nhiều trường đại học, học viện đào tạo còn cung cấp học bổng và nhiều hình thức hỗ trợ tài chính khác cho những sinh viên tài năng để các bạn có cơ hội phát triển xa hơn trong ngành.
Có nhiều cách để chinh phục đích đến, thay vì đi đường thẳng, bạn có thể chọn lộ trình dài hơi hơn một chút để đến được ngôi trường và quốc gia mơ ước. Sự kết nối và tính quốc tế hóa trong giáo dục hiện nay hình thành nên những chương trình chuyển tiếp tuyệt vời, giúp bạn có thể nhận được bằng cấp và trải nghiệm nền giáo dục tại điểm đến mình mong muốn với chi phí ban đầu phù hợp với khả năng tài chính của bạn. Ví dụ, chi phí trung bình để du học chương trình cử nhân ngành hospitality management toàn khóa tại Thụy Sĩ vào khoảng 2,5 tỉ đồng, tại Hà Lan vào khoảng 1,4 tỉ đồng trong khi tại Malaysia chỉ vào khoảng 830 triệu đồng. Do đó, nếu có năng lực tài chính vững mạnh, bạn có thể chọn du học Thụy Sĩ, Úc… còn ngược lại nên chọn học tại Singapore và chuyển tiếp sang Thụy Sĩ sau 1 năm hay đăng ký văn bằng liên kết tại Malaysia để được học chương trình tương đương của học viện tại Pháp.
Chương trình chuyển tiếp có thể giúp bạn tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian học tập mà vẫn đạt được kiến thức và bằng cấp mơ ước
Không như nhiều ngành học khác đòi hỏi sinh viên phải có nền tảng học thuật nổi bật để được các trường uy tín nước ngoài chấp thuận vào học, hospitality yêu cầu đơn giản hơn. Bạn có thể du học ngành hospitality chương trình cao đẳng/cử nhân với điều kiện tốt nghiệp THPT, có chứng chỉ IELTS từ 5,5 trở lên tại Thụy Sĩ, Hà Lan hay chọn lộ trình du học chuyển tiếp từ các nước như Singapore, Malaysia. Với trình độ ngoại ngữ thấp hơn, tương đương mức IELTS 4,5, bạn có thể theo học chương trình Pathway tại các quốc gia như Mỹ, Canada và đăng ký tiếp các chương trình học cao hơn khi đã nâng cao trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu.
Visa du học tại các quốc gia hàng đầu về hospitality như Thụy Sĩ, Canada, Úc… không khó nhưng không phải 100% trường hợp đều đạt được visa như mong muốn. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng về điều này vì Du học INEC vốn có nhiều năm kinh nghiệm trong việc giải quyết thành công những trường hợp không đủ điều kiện xin visa, giúp hành trình du học của bạn thuận lợi và dễ dàng hơn.
Và khi du học hospitality là chướng ngại vật với không ít người!
Với suy nghĩ hospitality là ngành học chú trọng kỹ năng thực hành nhiều hơn kiến thức lý thuyết và yêu cầu đầu vào của các trường danh tiếng trong lĩnh vực này cũng không quá khó, không ít người cho rằng du học hospitality là điều dễ dàng. Tuy nhiên thực tế có thể không như bạn nghĩ!
Hospitality đòi hỏi những tố chất đặc trưng và sự phù hợp để hoạt động trong ngành
Vì tính chất công việc liên quan mật thiết đến dịch vụ khách hàng, nghĩa là đáp ứng yêu cầu của con người, sinh viên cần những tố chất phù hợp để theo học ngành này. Bạn không thể là người luộm thuộm, không tôn trọng giờ giấc trong những công việc đòi hỏi sự gọn gàng, ngăn nắp và đúng giờ. Bạn không thể là người chỉ thích hưởng thụ, thích được phục vụ khi đảm nhận vị trí yêu cầu bạn phải phục vụ chu đáo cho người khác. Để hoạt động lâu bền trong ngành, bạn phải có sự ân cần, chu đáo và đặc biệt rất cần sự tinh tế. Bởi lẽ, không phải lúc nào khách hàng cũng nói thẳng ra mong muốn của họ và việc bạn tinh tế nắm bắt, đáp ứng nhu cầu của họ sẽ giúp bạn được đánh giá cao và thăng tiến nhanh chóng hơn trong ngành.
Bất cứ thành công nào cũng đòi hỏi nỗ lực và niềm đam mê. Với hospitality, bạn không chỉ cần có tố chất phù hợp mà phải thực sự đam mê mới có thể đi đến thành công với nghề. Du học ngành hospitality không phải là quãng thời gian bạn chỉ dùi mài kiến thức lý thuyết mà phải thực sự xông pha vào các “trận địa” nhiệm vụ thực tế như công việc bếp núc, quản lý thực phẩm, dọn dẹp phòng ốc, đón tiếp khách hàng, lên kế hoạch quảng bá thương hiệu, phát triển kinh doanh… Nếu không có niềm đam mê, bạn có thể dễ dàng cảm thấy mỏi mệt hay quá tải với quá nhiều kỹ năng phải tiếp nhận mỗi ngày, không đi đến được sự hoàn hảo trong từng kỹ năng cần có và tệ hơn nữa là không thể hoàn thành ước mơ du học mà bạn đã ấp ủ ban đầu.
Bạn cần có đam mê với ngành học và nghề nghiệp lựa chọn để thành công
Yêu cầu đầu vào của nhiều chương trình đào tạo tại các nước có thể được xem là đơn giản, tuy nhiên bạn vẫn phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định mới có thể du học ngành hospitality. Ngoại ngữ là yếu tố không thể thiếu của nhân lực hoạt động trong ngành này và do đó cũng là một trong những yêu cầu đầu tiên đối với sinh viên. Dù trình độ ngoại ngữ ban đầu của bạn đáp ứng được yêu cầu của trường nhưng bạn phải không ngừng trau dồi kỹ năng này hơn nữa, đồng thời học hỏi thêm những ngôn ngữ phổ biến khác (nếu có thể) để tăng lợi thế cạnh tranh và mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho mình. Chưa kể, một số chương trình đào tạo tại Thụy Sĩ, Hà Lan… yêu cầu sinh viên lĩnh vực hospitality phải học thêm ít nhất một ngôn ngữ nữa (như tiếng Trung, Đức, Tây Ban Nha, Pháp) ngoài tiếng Anh. Đây có thể là một thách thức nếu bạn không dành thời gian, công sức phù hợp cho việc học tập ngôn ngữ mới.
Tự mình đi tìm lời giải “du học ngành hospitality dễ hay khó” nhé!
Du học hospitality dễ hay khó phụ thuộc vào thái độ và sự lựa chọn của bạn. Bạn phải thực sự đam mê và yêu thích lĩnh vực này cũng như có những tố chất phù hợp để có thể đi lâu, đi xa với ngành. Bạn nên cân nhắc những lộ trình du học, quốc gia điểm đến và chương trình đào tạo phù hợp để phát huy tối đa năng lực trong giới hạn tài chính của mình.